Phụ nữ An Giang ‘khởi nghiệp’ tạo việc làm cho hàng chục lao động vùng quê

(Khởi Nghiệp Xanh) Với mô hình trồng nấm theo hướng tuần hoàn khép kín, chị Châu Thị Nương (46 tuổi, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đạt được thu nhập gần 900 triệu đồng mỗi năm.

Chị Nương chia sẻ rằng trước đây, gia đình chị chủ yếu trồng lúa và buôn bán vật tư nông nghiệp, nhưng gặp phải tình trạng “trúng mùa, mất giá”. Từ đó, chị luôn ấp ủ ý tưởng chuyển đổi mô hình nông nghiệp để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời hướng tới sự phát triển bền vững và hình thành chuỗi liên kết với nông dân.

Chị Châu Thị Nương giới thiệu về các loại nấm sạch được trồng tại cơ sở
Chị Châu Thị Nương giới thiệu về các loại nấm sạch được trồng tại cơ sở

Năm 2020, qua các phương tiện truyền thông, chị nhận thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở nên bức thiết, khi nhiều thực phẩm trên thị trường bị ảnh hưởng bởi phân bón và thuốc trừ sâu. Điều này thúc đẩy chị phát triển ý tưởng sản xuất nông sản sạch, dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.

Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, chị quyết định chọn nấm mối đen làm sản phẩm khởi nghiệp và thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tà Đảnh để phát triển mô hình trồng nấm sạch, thân thiện với môi trường.

Chị Nương bên những cây nấm tại trang trại theo quy trình tuần hoàn khép kín
Chị Nương bên những cây nấm tại trang trại theo quy trình tuần hoàn khép kín

Ban đầu, chị gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, cơ sở vật chất và thiết bị chưa đầy đủ, dẫn đến nấm bị nhiễm bệnh và phải bỏ đi. Tuy nhiên, với sự kiên trì học hỏi từ các chuyên gia nông nghiệp tại Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH An Giang, chị đã dần khắc phục khó khăn, nâng cao năng suất và mở rộng trại nấm lên diện tích 3 ha.

Sản phẩm nấm sạch của chị Nương
Sản phẩm nấm sạch của chị Nương

Chị Nương cho biết, tất cả nguyên liệu làm phôi nấm đều hoàn toàn hữu cơ, từ rơm rạ băm nhuyễn đến cám gạo và cám bắp, tất cả đều được kiểm tra kỹ lưỡng để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Nấm mối đen có thể trồng quanh năm theo mô hình khép kín, từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 4 tháng, đòi hỏi kỹ thuật cao từ khâu xử lý phôi nấm đến khâu nuôi trồng.

Hiện trang trại của chị Nương tạo cơ hội việc làm cho hàng chục lao động nông thôn
Hiện trang trại của chị Nương tạo cơ hội việc làm cho hàng chục lao động nông thôn

Hiện tại, cơ sở sản xuất nấm của chị Nương đã tạo việc làm cho hơn 40 lao động nữ, chủ yếu là dân tộc Khmer ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. “Trước đây, hầu hết các chị em đều có cuộc sống khó khăn, nhưng hiện có việc làm cùng với thu nhập ổn định tại trại nấm, có điều kiện để trang trải cho gia đình, lo việc học cho con,” chị Nương chia sẻ.

Trung bình mỗi tháng, nông trại của chị thu hoạch từ 5-6 tấn nấm các loại như: nấm mối đen, bào ngư, đông trùng hạ thảo, linh chi tai to…, trong đó nhiều nhất là nấm mối đen. Nấm mối đen được bán với giá 250.000 đồng/kg, đem lại thu nhập gần 900 triệu đồng mỗi năm. Ngoài việc cung cấp nấm tươi, chị Nương còn cung cấp phôi nấm, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho nông dân.

Hiện HTX của chị Nương đã có nhiều sản phẩm được sản xuất từ các loại nấm
Hiện HTX của chị Nương đã có nhiều sản phẩm được sản xuất từ các loại nấm

Nhờ quy trình sản xuất sạch, nấm của chị được thị trường ưa chuộng, xuất bán khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Trong thời gian tới, chị dự định mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Năm 2023, chị Nương vinh dự đạt giải “Top 10 doanh nghiệp xuất sắc nhất” cuộc thi Sáng kiến ESG Việt Nam, góp phần vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

Trả lời