Giới trẻ khởi nghiệp từ giá trị bản sắc: Hành trình trở về và lan tỏa phát triển bền vững

(Khởi Nghiệp Xanh) Trong dòng chảy phát triển mạnh mẽ của kinh tế – xã hội, cùng sự bùng nổ công nghệ số, thế hệ trẻ ngày nay không chỉ chạy theo các nghề “hot” trên thị trường mà còn chủ động tìm về cội nguồn, trân trọng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ khát vọng gìn giữ bản sắc ấy, nhiều bạn trẻ lựa chọn trở về quê hương để khởi nghiệp, vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.

Những năm gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ Trung ương đến địa phương, thanh niên có điều kiện tiếp cận các ngành nghề mới, tận dụng lợi thế công nghệ số để vượt qua rào cản về địa lý, tối ưu chi phí khởi nghiệp và mở rộng thị trường. Đặc biệt, công nghệ đã trở thành chất xúc tác quan trọng, giúp giới trẻ kết hợp hài hòa các yếu tố hiện đại với bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra sản phẩm, dịch vụ độc đáo, mang dấu ấn địa phương.

Anh Minh Nghĩa và sản phẩm trà Huyết Đằng Boong home (Cao Bằng), với tâm huyết đưa trà địa phương đến với đông đảo khách du lịch
Anh Minh Nghĩa và sản phẩm trà Huyết Đằng Boong home (Cao Bằng), với tâm huyết đưa trà địa phương đến với đông đảo khách du lịch

Có thể kể đến nhiều hướng đi sáng tạo được giới trẻ ưu tiên lựa chọn như phát triển du lịch cộng đồng, khai thác tiềm năng du lịch trải nghiệm gắn với thiên nhiên và văn hóa bản địa, xây dựng các homestay đậm chất dân tộc; khởi nghiệp trong nông nghiệp hữu cơ, phát triển các sản phẩm OCOP mang thương hiệu nông sản sạch; hay phục dựng và thương mại hóa các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, chế biến dược liệu, ẩm thực dân tộc. Song song đó, xu hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực truyền thông số, sáng tạo nội dung để quảng bá hình ảnh địa phương cũng ngày càng được các bạn trẻ chú trọng.

Trước những xu hướng chuyển dịch này, tỉnh xác định việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp gắn với khai thác lợi thế văn hóa địa phương là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Đoàn, Hội. Chương trình “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được triển khai quyết liệt, đem lại kết quả tích cực, góp phần giúp địa phương được vinh danh là “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2024”. Bước sang năm 2025, các hoạt động hỗ trợ như đào tạo kỹ năng, kết nối cố vấn, tổ chức cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” tiếp tục được đẩy mạnh. Đây là nguồn động lực thiết thực để người trẻ phát triển sự nghiệp, khẳng định bản lĩnh và tình yêu quê hương.

Một minh chứng tiêu biểu là câu chuyện của Nông Minh Nghĩa (thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng), tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2015. Thay vì lập nghiệp tại Hà Nội, Minh Nghĩa quyết định trở về Cao Bằng khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, thành lập homestay Boong Home mang đậm nét văn hóa Tày. Bằng cách tái hiện không gian nhà truyền thống, tổ chức trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian, Boong Home đã thu hút đông đảo khách du lịch, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Minh Nghĩa chia sẻ: “Tôi hy vọng dự án sẽ góp phần lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc Tày đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.”

Có thể khẳng định, xu hướng nghề nghiệp của thanh niên hôm nay không đơn thuần chịu tác động từ nhu cầu thị trường hay toàn cầu hóa, mà còn phản ánh khát vọng tìm về cội nguồn, khẳng định bản sắc. Tại Cao Bằng, nhiều người trẻ đã mạnh dạn lựa chọn lập nghiệp từ chính những giá trị truyền thống, hình thành nên các mô hình kinh tế sáng tạo và mang đậm dấu ấn địa phương. Đây chính là minh chứng sinh động cho tinh thần chủ động, sáng tạo, dấn thân và trách nhiệm của thế hệ trẻ, đồng thời mở ra kỳ vọng phát triển bền vững từ gốc rễ văn hóa dân tộc.

Trả lời