(Khởi Nghiệp Xanh) Khi cánh cửa công sở khép lại do sắp xếp tổ chức bộ máy, không ít cán bộ bán chuyên trách tại An Giang đã chọn quay về với ruộng vườn, nghề truyền thống hoặc tìm lối đi mới trong nông nghiệp sạch. Họ không buông xuôi, mà lặng lẽ bắt đầu lại bằng sự dấn thân, lòng tự tin và tinh thần sáng tạo đáng khâm phục.
Từ lu mắm quê nhà đến thương hiệu riêng
Nguyễn Hoàng Anh (27 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Thành (nay là xã Ngọc Chúc), từng cảm thấy hụt hẫng khi biết mình không nằm trong danh sách tiếp tục công tác sau sáp nhập xã. Nhưng thay vì buồn mãi, anh đã chọn nhìn về phía trước.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm mắm, từ bé anh Hoàng Anh đã sống giữa mùi cá linh, mắm ruốc, mắm sặc. Nghề mắm từng chỉ là kế sinh nhai trong mắt cậu bé năm xưa, nay lại trở thành “nền móng” cho giấc mơ mới. Anh tạo dựng thương hiệu mắm Hoàng Anh, với các sản phẩm chủ lực như mắm cá linh, mắm lóc, mắm đu đủ, mắm ruốc chua… Không dừng lại ở sản xuất, anh còn tận dụng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. Những đoạn clip làm mắm, các buổi livestream bán hàng thu hút hàng chục nghìn lượt xem, giúp sản phẩm của mẹ được nhiều người biết đến.
Giờ đây, Hoàng Anh là ông chủ trẻ điều hành cả quy trình: từ sản xuất, kiểm soát chất lượng đến trực tiếp giao hàng. Mỗi hũ mắm không chỉ là sản phẩm quê hương, mà còn là dấu ấn của một người trẻ biết trân quý gốc rễ và làm mới chính mình.
Hành trình nấm sạch – trái ngọt từ lòng tin
Cũng là người rời khỏi bộ máy sau sáp nhập xã, anh Phạm Xuân Toán (36 tuổi, xã Châu Thành) từng là Phó Bí thư Xã đoàn Giục Tượng. Sau khi nghỉ việc, anh quyết định đầu tư mô hình trồng nấm bào ngư xám với phương pháp nông nghiệp sạch.

Khởi đầu không dễ dàng: nguồn vốn hạn hẹp, kinh nghiệm ít, lại thêm áp lực gia đình với hai con nhỏ. Nhưng anh không nản. Mỗi sáng, khi trời còn chưa sáng rõ, anh đã có mặt tại trại nấm, tỉ mỉ kiểm tra độ ẩm, ánh sáng, chăm sóc từng tai nấm như nuôi dưỡng chính hy vọng của mình. Với anh, từng cây nấm vươn lên từ giá thể là minh chứng cho lòng kiên trì và niềm tin vào một cuộc đời mới – nơi mình chủ động cầm lái.
Đổi vai, giữ lửa cống hiến
Câu chuyện của Hoàng Anh và Xuân Toán chỉ là hai trong hàng loạt ví dụ về các cán bộ trẻ tại An Giang, sau khi rời khỏi công sở, đã chọn cách viết tiếp sứ mệnh phục vụ cộng đồng bằng những con đường rất khác. Có người quay lại đồng ruộng, có người khơi lại nghề gia truyền, người thì học nghề mới để chủ động hơn trong cuộc sống.
Họ không còn đứng giữa các cuộc họp, không phát động phong trào thanh niên hay nông dân như trước. Nhưng trong từng hành động, cách lao động tận tâm và thái độ sống tích cực, họ vẫn đang lặng lẽ góp phần dựng xây quê hương bằng chính đôi tay và ý chí của mình.