Khởi nghiệp Xanh – Hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ

(Khởi nghiệp xanh) Tại Toạ đàm “Khởi nghiệp Xanh – Hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ” diễn ra chiều 12/10 tại TP.HCM do Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (SKC) khởi xướng, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công đã chia sẻ những câu chuyện thú vị xoay quanh hành trình để hái được quả ngọt của mình.
Những start-up này là những người đoạt giải cao trong các cuộc thi dự án khởi nghiệp.

Anh Phan Minh Tiến (TP.HCM) – Giải nhì Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo năm 2019 chia sẻ, sự trăn trở với quê hương Cần Giờ là động lực giúp anh khởi nghiệp từ sản vật địa phương:

“Tôi xoay quanh giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa là cây dừa nước ở Cần Giờ. Tôi tìm hiểu và biết dừa nước có tiết ra mật, có thể làm thành đường và nhiều thứ khác. Tôi cũng biết, nhu cầu về chất làm ngọt tự nhiên thay cho đường trên thế giới đang có nhu cầu cao”.

Sau giai đoạn khởi nghiệp thử thách ban đầu, những sản phẩm từ mật dừa nước của Tiến đã được bán ra thị trường ở nhiều phân khúc khách hàng, và quan trọng nữa là khách du lịch đến Cần Giờ, họ luôn ghé để mua sản phẩm về làm quà. Tiến cũng tạo việc làm cho hơn 10 hộ dân ổn định, thường xuyên, với thu nhập tăng cao.

Các bạn trẻ khởi nghiệp chia sẻ với chuyên gia v
Các bạn trẻ khởi nghiệp chia sẻ với chuyên gia v

Cũng khai thác giá trị từ cây dừa, nhưng với anh Phạm Đình Ngãi – CEO mật hoa dừa Sokfarm, giải nhất cuộc thi năm 2020, lại khai thác những giá trị mang tính tài nguyên bản địa trong cây dừa của đồng bào Khmer ở Trà Vinh. Ngãi cho biết, Sokfarm là nông nghiệp hạnh phúc, tạo ra chuỗi giá trị cho ngành dừa, lấy người nông dân làm đầu chuỗi giá trị.

Theo anh Ngãi, cần phải tạo điều kiện để những người tham gia trong chuỗi giá trị có được những lợi ích lớn, từ đó tạo sự gắn kết chặt chẽ. Hiện nay, Sokfram có hơn 70 hộ nông dân tham gia trong mô hình liên kết. Ngãi chia sẻ thêm, hiện nay Sokfarm có 7 sản phẩm trên thị trường, được tỉnh Trà Vinh quan tâm, vì cây dừa là cây thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.

“Tài nguyên bản địa của cây dừa rất là lớn, khi mình bắt đầu có ý tưởng thì giá dừa tại tỉnh Trà Vinh lúc đó rất thấp, 20 ngàn cho 12 trái dừa tương đương với 1200 trái chỉ bán được 2 triệu thôi. Mình tự hỏi sao người nông dân họ lại khó khăn như thế này, thôi thúc cho mình tìm thêm hướng đi mới, càng nghiên cứu thì mình biết cây dừa ngoài thu trái thì có thể thu mật và đây là mô hình giúp cho người quê hương của mình có thêm kinh tế.

Mình là những người trẻ thì có thể kết hợp được tài nguyên bản địa cùng với những gì mình đã học để đưa sản phẩm nông nghiệp gần hơn với người tiêu dùng” – Anh Ngãi kể.

Chị Nguyễn Thị Các Thủy, giám đốc công ty TNHH Tây Cát
Chị Nguyễn Thị Các Thủy, giám đốc công ty TNHH Tây Cát

Chị Nguyễn Thị Các Thủy, giám đốc công ty TNHH Tây Cát, với thương hiệu “mứt chuối phồng Tư Bông” cho biết, cuộc thi khởi nghiệp năm 2018 đã giúp chị đưa các sản phẩm mứt chuối phồng Tư Bông có mặt ở sân bay Cần Thơ, Phú Quốc, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất… Song song đó, những sản phẩm mới từ nông sản Việt cũng được chị sáng tạo ra, như mứt trái cây kết hợp với nhiều sản phẩm khác như bánh dứa cuộn, xoài cuộn, bánh mứt ăn vặt…

Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Vinamit, khẳng định, làm nông nghiệp lấy giá trị bản địa để thành công là chặng đường gian nan: “Tôi đồng cảm với họ, bởi nếu mọi thứ rõ ràng quá thì không nói nên tôi hãnh diện với các bạn trẻ này, đây là những sản phẩm có giá trị cho tương lai, cho cộng đồng, xã hội. Ngay tại đất nước chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội, cho người đang làm và sắp làm” – Ông Viên chia sẻ tại sự kiện.

Còn bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam; Chủ tịch Cty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia, cho rằng, người trẻ khởi nghiệp ở nông nghiệp còn nhiều vấn đề. Như nếu sản phẩm chưa thương mại hoá được thì không gọi vốn được, người trẻ thích ra nhiều sản phẩm, nhưng tỉ trọng doanh thu trong sản phẩm thấp.

Thành lập năm 2013, Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (SKC) đã trở thành một trong những chương trình uy tín, tập trung hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Thông qua sân chơi là cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo (Khởi nghiệp xanh), đã có gần 1.000 chủ dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp cả nước, trở thành một hệ sinh thái rộng khắp, năng động.

Trả lời