(Khởi Nghiệp Xanh) Nguồn cảm hứng từ chương trình tọa đàm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và ứng dụng chất liệu kinh doanh bền vững trong chiến lược marketing đã làm nổi bật mô hình kinh doanh bền vững và cách nó có thể mang lại lợi nhuận từ sản xuất xanh. Chương trình này đã được tổ chức và tài trợ bởi Dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, phối hợp bởi Tổ hợp giáo dục Nghệ thuật Kodo/Huế Green Hub và được hỗ trợ bởi Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thừa Thiên Huế (Hue Innovation Hub).
Chuyển đổi số đã trở thành yếu tố quan trọng trong việc tăng năng suất và chất lượng sản phẩm trong ngành sản xuất xanh. Việc áp dụng công nghệ thông minh, đặc biệt là trong phân loại rác tại nguồn, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm lượng rác thải, và đồng thời cải thiện hiệu suất làm việc.
Chương trình cũng tập trung vào vai trò của doanh nghiệp trong việc tuân thủ Luật Bảo vệ Môi trường tại khu vực miền Trung, thách thức và cơ hội mà nó mang lại. Việc tăng tốc chuyển đổi số trong doanh nghiệp không chỉ giúp họ tuân thủ các quy định môi trường mà còn mở ra cơ hội mới để phát triển và cạnh tranh trong thị trường ngày càng yêu cầu sự bền vững và xanh sạch.
Trách nhiệm xã hội- cốt lõi của doanh nghiệp
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) ngày càng trở thành một khía cạnh quan trọng, đóng vai trò quyết định trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp hiện đại. Trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng ngày càng chú trọng đến giá trị xã hội và môi trường, CSR không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp góp phần vào sự cải thiện của cộng đồng mà còn là một yếu tố quan trọng tác động đến hình ảnh thương hiệu và lợi nhuận dài hạn.
Theo TS. Nguyễn Quý Hạnh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là những hành động và chính sách nhằm tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với xã hội, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận. Mục tiêu của CSR bao gồm giảm thiểu tác động đến môi trường, nâng cao tinh thần tự nguyện của nhân viên, và đóng góp cho các tổ chức từ thiện, giáo dục, và phát triển cộng đồng.
Đối với doanh nghiệp, việc thực hiện CSR không nhất thiết phải dựa vào nguồn ngân sách lớn. Các DN có thể tập trung vào những nỗ lực nhỏ, từ đó tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng. Một chiến lược tốt là bắt đầu với kế hoạch quyên góp cho cộng đồng, địa phương, sau đó mở rộng ra phạm vi hoạt động lớn hơn khi có đủ điều kiện và khả năng.
Trong quá trình lên kế hoạch CSR, quan trọng là tạo điều kiện cho nhân viên tham gia vào quá trình ra quyết định. Điều này có thể đạt được thông qua việc xây dựng một đội ngũ nội bộ phụ trách quản lý các hoạt động liên quan đến CSR, giúp tăng cường gắn bó của nhân viên với tổ chức.
CSR không chỉ là nghĩa vụ của doanh nghiệp mà còn là một cơ hội để xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực. Khách hàng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm và dịch vụ của những doanh nghiệp có danh tiếng xã hội tốt. CSR trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động quan hệ công chúng của doanh nghiệp, giúp củng cố hình ảnh thương hiệu và tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Những sẻ chia quý báu
Tại dịp toạ đàm này, đại diện các DN, thương hiệu trong, ngoài địa phương chia sẻ một số mô hình, sáng kiến, giải pháp định hướng phát triển bền vững, giảm thiểu rác thải tại các khách sạn, nhà hàng, đơn vị kinh doanh các loại nước uống, khác…
Bà Phan Thị Lan Phương, Quản lý vận hành dịch vụ tại TikTok Việt Nam, Nguyên Giám đốc Chiến lược tập đoàn Yeah chia sẻ, làm thế nào để DN vận dụng được hiệu quả chất liệu trách nhiệm xã hội nói riêng và kinh doanh bền vững nói chung vào chiến lược marketing thu hút khách hàng. Theo Quản lý vận hành dịch vụ tại TikTok Việt Nam phân tích, hiện nay xu hướng con người tiêu nhiều tiền hơn cho sản phẩm xanh nên tạo ra tiềm năng lớn cho các DN; trong đó có DN startup xây dựng mô hình kinh doanh bền vững.
Khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng tăng, thay vì mua sắm lãng phí, khách hàng ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe, môi trường và các câu chuyện nhân văn sau từng sản phẩm. Xu hướng tiêu dùng trách nhiệm khi hạn chế lãng phí, thói quen sống xanh và khả năng chi tiền cho các sản phẩm không gây ảnh hưởng đến môi trường tạo động lực để các DN xây dựng mô hình kinh doanh bền vững về đầu tư và thu lợi nhuận từ hoạt động sản xuất xanh.
Chị Lê Thị Dạ Lam, Tổng quản lý làng Hành hương Resort &Spa-Huế cũng chia sẻ kinh nghiệm giảm thiểu rác thải nhựa và thực hiện chiến lược phát triển bền vững của DN trong suốt 20 năm qua. Đây cũng là một trong lý do mà DN (Làng hành hương) đã đạt nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế và là một trong các DN tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dịp này, đại diện Dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” đã giới thiệu và đưa ra các giải pháp quản lý rác thải tại nguồn, giảm sử dụng đồ nhựa một lần. Hy vọng DA đang đồng hành với TP. Huế, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, bền vững ở địa phương.