(Khởi nghiệp xanh) TTO – Nằm ở huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), nông trại Thiên Nông trồng ba loại cây chủ lực: bơ, hồ tiêu, cao su. Cây cao su đóng vai trò như là một vùng đệm hữu cơ với lõi là cây bơ và hồ tiêu.
Lực lượng lao động trong trang trại chủ yếu là đồng bào dân tộc S’tiêng và Khmer có hoàn cảnh khó khăn.
Nông trại đã tạo ra việc làm cho người lao động trong lĩnh vực trồng trọt, đồng thời tạo ra nguồn sinh kế bền vững cho họ thông qua hình thức góp vốn trong chăn nuôi với mục tiêu đôi bên cùng có lợi và phát triển trang trại với quy trình sản xuất khép kín.
Môi trường trong lành, không làm tổn hại đến sức khỏe người lao động, giá trị bền vững mang lại cho người lao động, sức khỏe người tiêu dùng và môi trường tự nhiên là những giá trị mà không thể đo đếm bằng tiền.
Chăm sóc, thu hoạch tại trang trại và các công nghệ đang được ứng dụng theo hướng tự động nhưng thuận tự nhiên gồm: lắp điện mặt trời áp mái; tưới tiêu tự động dùng Internet vạn vật (IoT) thông qua hệ thống cảm biến, van điện từ với nguồn nước mưa sạch được lọc từ các bể chứa lớn; giám sát vườn bằng camera; xịt thuốc trị bệnh phấn trắng, vàng lá trên cây cao su bằng máy bay không người lái; tự sản xuất nguồn phân hữu cơ theo hướng phân bón vĩnh cửu từ phân bò, dê tại trang trại và đạm cá (nguồn cá sơn từ lòng hồ thủy điện); dung dịch pha chế từ tỏi, ớt và vi sinh bản địa xua đuổi côn trùng; triển khai tiếp thị số trên mạng; phân phối sản phẩm đầu ra ở 10 hệ thống siêu thị và các sàn thương mại điện tử…
Hướng tới mô hình phát triển bền vững dựa vào cộng đồng, Thiên Nông đã luôn đồng hành cùng nhiều đơn vị khác trong các hoạt động thăm hỏi, động viên, tư vấn chuyển giao công nghệ cho hàng chục đơn vị khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và nông dân nói chung; qua đó nhân rộng các giải pháp kỹ thuật nói trên, hướng đến thành lập các trang trại vệ tinh để tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Đầu tháng 1-2022, Thiên Nông mời anh Hoàng Sơn Công (giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam – chuyên gia về IMO và công nghệ sinh học) đến thăm, tư vấn cho các trang trại tại Bình Phước trong hành trình “Khởi nghiệp từ rác” cũng như chia sẻ giải pháp cải tiến quy trình làm phân hữu cơ và sử dụng thiên địch trong phòng chống các loại vi sinh vật có hại thông qua tọa đàm trao đổi trên mạng.
Và vui mừng nhất là những bạn start-up trẻ đã có được tư duy xây dựng thương hiệu và có thể áp dụng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm của mình, nâng cao chất lượng nông sản và cải thiện năng suất canh tác thông qua chương trình này.
Hiện tất cả các thành viên HTX đã ứng dụng số hóa các thông tin trên phần mềm, mở “Nhật ký điện tử” cho từng vườn, cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói.
Toàn bộ các trang trại của thành viên HTX đang thực hiện cắt cỏ, không sử dụng thuốc trừ cỏ, chúng tôi ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học, rất hạn chế sử dụng hóa học và phân vô cơ; sử dụng thiết bị tưới thông minh IoT, thiết bị bay không người lái và máy phun sương của Nhật để đảm bảo lượng phân, thuốc tiêu dùng hiệu quả nhất; luôn tiên phong và chủ động kiểm nghiệm định kỳ hơn 400 chỉ tiêu và kim loại nặng để theo dõi chất lượng nông sản và môi trường của trang trại.
Mô hình HTX liên kết chuỗi không giới hạn địa lý đã giúp Thiên Nông nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư bảo quản và chế biến sâu sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và giảm thiểu rủi ro, hạn chế sự phụ thuộc vào tính thời vụ của sản phẩm.
mô hình phát triển bền vững của trang trại Thiên Nông không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương. Đây là một điển hình cho sự hòa nhập giữa công nghệ, kinh doanh và bảo vệ môi trường trong phát triển nông nghiệp.