Đa dạng lĩnh vực khởi nghiệp xanh
Nói đến khởi nghiệp xanh, trong giới khởi nghiệp có lẽ ít ai không biết đến câu chuyện khởi nghiệp từ mật xơ dừa vợ chồng anh Phạm Đình Ngãi, Thạc sĩ kỹ thuật điện và chị Thạch Thị Chal Thi là Thạc sĩ ngành công nghệ thực phẩm.
Anh Ngãi quê ở Đồng Tháp, chị Chal Thi quê ở Trà Vinh, sinh sống tại TP Hồ Chí Minh với thu nhập ổn định. Năm 2018, chứng kiến cảnh trái dừa rớt giá, bỏ mọc mầm không ai mua, trong khi người nông dân phải vất vả trồng trọt, anh chị khởi lên mong muốn tìm ra giải pháp để tăng giá trị của cây dừa. Cả hai vợ chồng đồng lòng về Trà Vinh lập nghiệp với cây dừa, đem kiến thức học được để ứng dụng vào khởi nghiệp với Công ty Sokfarm. Và sản phẩm mà hai vợ chồng lựa chọn là mật chiết xuất từ hoa dừa. Tìm hiểu nhiều tài liệu, học nhiều cách từ truyền thống tới sáng tạo nhưng không đạt kết quả ưng ý, anh Ngãi quyết định ra nước ngoài học tập kinh nghiệm, thực nghiệm. Để rồi những mẻ mật hoa dừa sau đó đạt chất lượng như ý. Giờ đây, doanh nghiệp của vợ chồng anh chị đã sản xuất được đa dạng sản phẩm từ mật hoa dừa như: Nước uống mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, đường hoa dừa, nước tương mật hoa dừa, giấm mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men, ca cao mật hoa dừa… Hiện, mật hoa dừa của Sokfarm không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn được cộng đồng tiêu dùng quốc tế đón nhận, kí kết hợp đồng lớn với doanh nghiệp nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hà Lan… Mô hình kinh doanh của họ đã sáng tạo ra những sản phẩm mới trên nguồn nông sản bản địa tiêu thụ được nông sản cho nông dân địa phương, đáp ứng nghiêm ngặt các chuẩn về môi trường, giải quyết việc làm cho người lao động bản xứ…
Tại Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp xanh” 2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA), một nhóm bạn trẻ đến từ Đồng Tháp đã đoạt giải với ý tưởng khởi nghiệp từ xơ mướp. Dự án Mr Mướp ra đời từ năm 2017, với mong muốn từ xơ mướp là phế phẩm nông nghiệp tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường có thể ứng dụng vào đời sống, đem lại giá trị kinh tế mới. Từ xơ mướp, qua sáng tạo của nhóm bạn trẻ Đỗ Mạnh Quân, Lê Na, đã cho ra đời những sản phẩm có tính ứng dụng cao như miếng rửa chén, bông tắm, đồ lưu niệm trang trí, dòng sản phẩm đồ chơi gặm nhấm dành cho thú cưng… Hiện tại, dự án liên kết được khoảng 20ha vùng trồng ở các địa phương: Đồng Tháp, An Giang, Bình Phước, Đồng Nai. Trung bình mỗi ha đất trồng, Mr Mướp sản xuất được 80.000 sản phẩm, thu lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng cho mỗi vụ. Riêng dòng sản phẩm trang trí đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trung bình mỗi đơn hàng xuất khẩu của Mr Mướp dao động từ 30.000 – 40.000 sản phẩm.
Không chỉ là lợi nhuận, dự án Mr Mướp còn hướng đến bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy sản xuất cho nông dân địa phương, phối hợp với địa phương tổ chức các lớp dạy nghề cho người dân…
Có thể thấy, những năm qua, khởi nghiệp xanh mang tính sáng tạo ngày càng được những người trẻ khởi nghiệp chú trọng. Thị trường đã xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp xanh hay, được quan tâm như dự án Mr Muối Sản xuất muối Tây Ninh kết hợp đặc sản vùng miền, dự án các sản phẩm từ bông atiso hữu cơ, dự án các sản phẩm ly, chén từ tre, cỏ bàng… Cạnh đó, xu hướng khởi nghiệp xanh còn hướng đến sử dụng nguyên liệu tái chế, thiết kế sản phẩm dễ tái chế, cung cấp các dịch vụ vận chuyển xanh, hoặc phát triển các công nghệ sạch và tiết kiệm năng lượng.
Sự thông minh của cộng đồng khởi nghiệp là ứng dụng công nghệ mới, tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT), blockchain và các công nghệ khác để phát triển các giải pháp thông minh cho việc quản lý và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng cường sự bền vững trong nông nghiệp và du lịch và cải thiện quản lý tài nguyên tự nhiên.
Đồng thời, những người trẻ khởi nghiệp xanh cũng quan tâm đến việc xây dựng cộng đồng nền tảng, hợp tác đa phương, hỗ trợ lẫn nhau, học hỏi nhau để cùng phát triển, giúp cộng đồng này ngày một phát triển mạnh mẽ.
Sự thay đổi từ tư duy
Lý giải về sự lớn mạnh của phong trào khởi nghiệp xanh, các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân cộng hưởng. Thứ nhất, mối nguy của biến đổi khí hậu và thảm họa môi trường đã và đang tạo ra áp lực lớn đối với xã hội và kinh doanh. Điều này thúc đẩy sự xuất hiện của các doanh nghiệp có mục tiêu xã hội và khởi nghiệp xanh, nhằm giải quyết những thách thức này thông qua các giải pháp sáng tạo và bền vững.
Cạnh đó, người tiêu dùng trong và ngoài nước hiện nay ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về tác động của sản phẩm và dịch vụ đến môi trường. Họ ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ từ các doanh nghiệp có cam kết với môi trường và xã hội, tạo ra một nhu cầu thị trường mới cho các doanh nghiệp xã hội và khởi nghiệp xanh.
Thuận lợi nữa là sự quan tâm từ phía chính phủ và các tổ chức quốc tế về vấn đề môi trường và bền vững đã dẫn đến việc áp dụng các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp xã hội và khởi nghiệp xanh. Các ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và các chương trình khuyến khích khởi nghiệp đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp này.
Mặc dù các doanh nghiệp xanh mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và xã hội, nhưng họ cũng đối mặt với một số rủi ro và thách thức, mà đầu tiên là chi phí ban đầu cho việc khởi nghiệp xanh cao hơn thông thường. Cạnh đó, việc thiếu hỗ trợ tài chính, gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài trợ và vốn đầu tư do nhà đầu tư truyền thống chưa hiểu hoặc không quan tâm đến mô hình kinh doanh xanh cũng là một trở ngại phổ biến. Các thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ xanh đôi khi cũng không ổn định và không đủ lớn để hỗ trợ sự phát triển của một số doanh nghiệp xanh. Đồng thời, người tiêu dùng cũng mất nhiều thời gian hơn để hiểu và làm quen với sản phẩm. Điều này có thể làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động và tăng trưởng.
Ngày nay, sự xuất hiện của khởi nghiệp xanh do giới trẻ thúc đẩy không chỉ là một dấu hiệu tích cực cho sự phát triển kinh tế mà còn là biểu tượng của sự cam kết đối với bảo vệ môi trường và xây dựng một tương lai bền vững. Các doanh nghiệp xanh không chỉ tạo ra những giải pháp sáng tạo và hiệu quả cho các vấn đề môi trường, mà còn đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến xã hội.
Tuy nhiên, để khai thác hết sức mạnh của khởi nghiệp xanh, việc ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp này trong xã hội hiện đại là cực kỳ quan trọng. Chỉ khi có sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi đủ mạnh mẽ, khởi nghiệp xanh có thể thực sự phát triển và góp phần vào việc xây dựng một xã hội và một hành tinh bền vững hơn cho tương lai.