(Khởi Nghiệp Xanh) Giữa những cung đường gồ ghề của thôn Nà Pái (xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn), có một người phụ nữ vẫn bền bỉ mỗi ngày vượt núi, băng rừng, gắn bó với từng triền đồi, khe suối quê hương. Đó là chị Hoàng Thị Bích Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái – một trong những gương mặt tiêu biểu của phụ nữ dân tộc Tày đang khẳng định vai trò làm chủ trong phát triển kinh tế nông thôn.
Gian nan trên đường khởi nghiệp – Khát vọng khơi nguồn từ đất mẹ
2 tiếng đồng hồ ngồi sau xe máy men theo đường đất khúc khuỷu, chúng tôi theo chân chị Ngọc đi thăm vùng nguyên liệu của hợp tác xã. Con đường chỉ vừa một bánh xe, một bên là vực sâu, một bên là vách đá dựng đứng. Chị Ngọc chia sẻ bằng giọng trầm ấm:

“Ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa thì tôi phải đi bộ cả nửa ngày mới tới nơi. Càng đi nhiều, tôi càng trăn trở: Làm thế nào để từ mỗi ngọn đồi, mỗi tán cây mình có thể tạo ra giá trị kinh tế, giúp dân mình không còn nghèo?”
Chính từ những lần “đi để suy nghĩ”, ý tưởng khởi nghiệp từ chính tài nguyên bản địa được chị ấp ủ và hiện thực hóa. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, chị từng bắt đầu bằng mô hình chăn nuôi vịt suối sau chuyến học tập kinh nghiệm tại tỉnh bạn năm 2017. Khó khăn không ít, lứa vịt đầu tiên chết gần một nửa. Không ít người dè bỉu: “Đàn bà thì lo ruộng nương, khởi nghiệp làm gì cho mệt!”. Nhưng với chị Ngọc, khát vọng vươn lên không phân biệt giới tính.
Chị chủ động tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, học cách lập kế hoạch, hạch toán kinh doanh. Càng học, càng vỡ ra nhiều điều, chị mạnh dạn đầu tư trở lại – không chỉ với vịt mà còn với trồng rừng, trồng dược liệu, xây dựng chuỗi giá trị gắn với tài nguyên bản địa.

Xây dựng hợp tác xã phụ nữ – lan tỏa cơ hội, tăng quyền năng kinh tế
Năm 2023, Hợp tác xã nông lâm nghiệp phụ nữ thôn Nà Pái chính thức ra đời. Đây là mô hình hợp tác xã đầu tiên do phụ nữ làm chủ tại huyện Bình Gia. Dưới sự dẫn dắt của chị Ngọc, hợp tác xã phát triển theo hướng sản xuất nông lâm kết hợp, lấy tài nguyên bản địa làm trung tâm như hoa hồi, thịt lợn mán, thạch đen, nho, trà xanh dưới tán rừng hồi….
Không chỉ là câu chuyện phát triển kinh tế, hợp tác xã này còn trở thành mái nhà chung giúp nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số được tham gia sản xuất, học kỹ thuật, và có nguồn thu nhập ổn định.
Chị Tạ Thị Hằng, thành viên hợp tác xã, bộc bạch:
“Nhờ làm việc tại đây, tôi không chỉ có công việc ổn định mà còn được giao lưu, học hỏi, tự tin hơn rất nhiều. Nhìn thấy sản phẩm mình làm ra được bán trên mạng, trên Tiktok, tôi thấy rất tự hào!”
Từ bản làng đến thương trường số – số hóa để đi xa hơn
Chị Ngọc và các chị em trong hợp tác xã không dừng lại ở sản xuất. Nhận thấy tiềm năng chuyển đổi số, các chị chủ động học cách xây dựng thương hiệu, làm truyền thông trên mạng xã hội, kết nối khách hàng qua fanpage, Tiktok, đăng sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Câu chuyện “bông hoa hồi nhỏ xíu” được đặt hàng xuất khẩu sang châu Âu không còn là điều xa vời. Đây là minh chứng sống động cho tư duy mở và linh hoạt của chị em phụ nữ vùng cao trong kỷ nguyên số.

“Lớn” cùng khởi nghiệp – Từ trải nghiệm đến tỏa sáng
Không chỉ dừng lại ở mô hình kinh tế, chị Ngọc còn tích cực tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp như một cách để học hỏi và hoàn thiện bản thân.
Năm 2022: đạt giải Khuyến khích với đề tài nuôi vịt cổ xanh thả suối tại cuộc thi của Sở KH&CN Lạng Sơn.
Năm 2023: tiếp tục đạt giải Khuyến khích tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp – phát huy tài nguyên bản địa” khu vực miền Bắc.
Và nổi bật nhất là giải Nhì cuộc thi “Khi phụ nữ làm chủ” do VTV tổ chức, vượt qua hơn 500 thí sinh trên toàn quốc.
Với chị, mỗi cuộc thi là một lần trưởng thành:
“Tôi đi thi không phải để lấy giải mà để học thêm cách quảng bá sản phẩm, học kỹ năng số, học tư duy mới. Nhờ vậy, tôi tự tin hơn rất nhiều”.
Không giữ thành công cho riêng mình, chị Ngọc hiện đang tích cực hướng dẫn, truyền lửa khởi nghiệp cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số khác, giúp họ tham gia các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực và từng bước làm chủ cuộc sống kinh tế của chính mình.

Khép lại – nhưng hành trình vẫn đang mở rộng
Câu chuyện của chị Hoàng Thị Bích Ngọc không chỉ là một mô hình thành công về mặt kinh tế. Đó còn là biểu tượng cho tinh thần khởi nghiệp từ bản làng, từ gian khó, từ chính đôi chân vượt núi của người phụ nữ Tày giàu nghị lực. Từ những bông hoa hồi, từ vịt suối, từ rừng cây dược liệu, hành trình của chị đã và đang truyền cảm hứng về sự chủ động, bền bỉ và chuyển mình trong thời đại mới.