(Khởi Nghiệp Xanh) Những biến động mạnh mẽ của giá cà phê đang tạo ra không ít khó khăn cho cộng đồng sản xuất – kinh doanh cà phê đặc sản. Dù giá tăng nhưng lợi nhuận thu về chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Tuy nhiên, dù thị trường có phần “co lại”, những người theo đuổi cà phê đặc sản vẫn kiên trì bám trụ, bởi đây không chỉ là một hướng đi bền vững mà còn giúp nâng tầm thương hiệu cà phê Việt trên bản đồ thế giới.
Không có vườn, ít vốn: Rào cản lớn khi khởi nghiệp
Theo chuyên gia Nguyễn Tấn Vinh, giá cà phê tăng cao khiến việc thu mua cà phê chín đỏ để sản xuất cà phê đặc sản ngày càng khó khăn. Đáng chú ý, mức chênh lệch giá giữa cà phê đặc sản và cà phê thương mại đã thu hẹp đáng kể.
Chẳng hạn, ở niên vụ trước, giá cà phê nhân xô chỉ khoảng 60.000 đồng/kg, trong khi cà phê đặc sản đạt 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong niên vụ hiện tại, cà phê đặc sản dao động từ 185.000 – 250.000 đồng/kg, còn cà phê nhân xô đã nhảy vọt lên 120.000 – 130.000 đồng/kg. Điều này khiến biên lợi nhuận của cà phê đặc sản bị thu hẹp, trong khi chi phí sản xuất lại không thể cắt giảm.

Bà Lương Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty Pun Coffee (Quảng Trị), chia sẻ rằng không ít nông dân khi thấy giá cà phê thương mại tăng cao đã hái quả chín bán đi, nhưng cuối cùng vẫn lỗ công lao động. Để giữ chân họ, công ty đã lập bảng tính toán tài chính chi tiết, chứng minh rằng về dài hạn, sản xuất cà phê đặc sản vẫn mang lại lợi nhuận ổn định hơn.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể trụ vững. Ông Lê Huy Quang, Giám đốc điều hành Lê’s Farm (Lâm Đồng), cho biết việc khởi nghiệp cà phê đặc sản hiện tại gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với những dự án không có vườn riêng. Do phải mua nguyên liệu từ bên ngoài với giá cao, nhiều đơn vị buộc phải giảm sản lượng sản xuất.
Riêng với Lê’s Farm, nhờ sở hữu vườn cà phê riêng, công ty có thể duy trì giá bán lẻ mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Quan trọng hơn, họ đã xây dựng được nhóm khách hàng trung thành với “gu” cà phê đặc trưng của mình.
Căng mình thích ứng với thị trường
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Xuân Dương, Giám đốc Quốc Lộc Coffee, lại cho rằng giá cà phê tăng cao giúp cà phê đặc sản dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn. Công ty ông có sản phẩm cà phê đặc sản bán với giá 800.000 đồng/kg, nhưng vẫn rẻ hơn nhiều so với cà phê nhập khẩu, trong khi có nguồn gốc rõ ràng và được đánh giá bởi hội đồng chuyên môn.
Dù vậy, con đường phát triển cà phê đặc sản không phải lúc nào cũng thuận lợi. Ông Dương từng gặp thất bại khi sản phẩm Robusta đạt điểm 84,46 trong một cuộc thi cà phê đặc sản, nhưng lại bị khách hàng đánh giá 1 sao vì cho rằng vị chua không hợp khẩu vị. Điều này buộc ông phải loại bỏ sản phẩm khỏi danh mục kinh doanh. Từ bài học này, ông rút ra rằng: “Cà phê đặc sản chỉ nên bán cho những khách hàng thực sự yêu thích, có hiểu biết và sẵn sàng trả giá cho chất lượng. Nếu chọn sai đối tượng hoặc kênh bán hàng, chắc chắn sẽ thất bại.”
Chia sẻ về những thách thức chung của ngành, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cà phê đặc sản đang phải “căng mình” để thích ứng với thị trường biến động. Dù gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô, đa số doanh nghiệp vẫn quyết tâm bám trụ để giữ thương hiệu.
Một tín hiệu tích cực là ngày càng có nhiều người trẻ từ bỏ công việc văn phòng, trở về quê khởi nghiệp với cà phê đặc sản. Họ không chỉ tiếp nối cơ ngơi gia đình mà còn mang theo tư duy mới, góp phần làm cho ngành cà phê Việt Nam phát triển chuyên nghiệp và bền vững hơn.