(Khởi Nghiệp Xanh) Chị Lê Hoàng Mỹ Nhu (sinh năm 1996) tại thị trấn Tràm Chim đã thành công với sản phẩm “Pate Nét Sen” – một món ăn độc đáo kết hợp giữa thịt nạc heo, da heo, tai heo, hạt sen và gia vị. Sản phẩm được chế biến kỹ lưỡng, gói trong lá chuối theo hình dáng đòn bánh tét truyền thống, sau đó được đóng gói hút chân không với các kích cỡ 250g, 500g và 1kg. Mỗi kg “Pate Nét Sen” có giá khoảng 220.000 đồng/kg.
Với chứng nhận an toàn thực phẩm và hương vị thơm bùi đặc trưng của hạt sen, sản phẩm nhanh chóng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. “Doanh thu trung bình mỗi tháng của tôi đạt hơn 11 triệu đồng. Không chỉ vậy, cơ sở còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động nhàn rỗi tại địa phương. Sắp tới, tôi sẽ hoàn tất hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP và tiếp tục cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm,” chị Mỹ Nhu chia sẻ.
Trong khi đó, anh Phan Hồi Hương ở xã Phú Đức lại tận dụng nguồn lá ổi dồi dào tại địa phương để phát triển sản phẩm “Trà lá ổi túi lọc”. Lá ổi non được chọn lọc kỹ càng, đảm bảo không sâu bệnh, sau đó được rửa sạch, sấy lạnh và băm nhuyễn trước khi đóng gói vào từng túi lọc nhỏ, mỗi túi 4g. Hiện tại, cơ sở của anh Hương cung cấp ra thị trường 300-500 bịch trà lá ổi mỗi tháng, với mức giá dao động từ 69.000 – 75.000 đồng/sản phẩm.

Không dừng lại ở đó, anh Hương còn ấp ủ phát triển thêm nhiều sản phẩm tiềm năng từ nguyên liệu địa phương như rau má và các loại thảo dược khác, nhằm mở rộng danh mục sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Năm 2024, huyện Tam Nông đã hỗ trợ 13 dự án khởi nghiệp dành cho đoàn viên, thanh niên. Nhờ đó, nhiều sản phẩm tiềm năng được nâng cao về chất lượng, mẫu mã, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Tổng số sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao trên địa bàn huyện đã tăng lên 28 sản phẩm.
Những câu chuyện khởi nghiệp này không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn lan tỏa tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của giới trẻ, mở ra nhiều cơ hội mới cho nông sản Việt trên thị trường.