(Khởi Nghiệp Xanh) Dù đã bước sang tuổi 60 với mái tóc bạc trắng, ông Lê Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH Hải Định Food (thành lập năm 2024 tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), vẫn tràn đầy nhiệt huyết với hành trình khởi nghiệp của mình. Không chỉ tham gia trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm, ông còn chủ động livestream trên Facebook khi vắng khách và đang lên kế hoạch xây dựng kênh TikTok cá nhân để hỗ trợ bán hàng.
Bền bỉ và chắc chắn từng bước đi
Xuất thân từ môi trường cơ quan nhà nước, ông Nam từng gặp biến cố sức khỏe và phải nghỉ việc. Khi bình phục, ông làm bảo vệ, theo học đại học để nâng cao kiến thức, rồi tham gia vào HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long – đơn vị chuyên về chanh không hạt – với vai trò thành viên Hội đồng Quản trị.

Trong đại dịch COVID-19, ông nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm nước cốt chanh mật ong cô đặc, loại nước uống giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ điều trị các bệnh về hô hấp. Nhờ tiềm năng lớn, đến tháng 6-2023, HTX hợp tác với Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM để sản xuất sản phẩm này theo quy mô công nghiệp, đạt các chứng nhận ISO, HACCP. Đến tháng 12-2024, nước cốt chanh mật ong cô đặc được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Nhận thấy HTX có nhiều điểm hạn chế trong việc mở rộng sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, ông Nam quyết định thành lập Công ty Hải Định Food để chủ động hơn trong phát triển thị trường, nhưng vẫn giữ mối liên kết với HTX nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu chanh không hạt đạt chuẩn GlobalGAP, vốn chuyên xuất khẩu sang châu Âu. Thay vì bỏ đi những quả chanh không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu do mẫu mã xấu, ông cùng cộng sự tận dụng để chế biến các sản phẩm như chanh muối, bột chanh, xà bông chanh…, áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải.
“Người lớn tuổi như tôi có thể không nhanh nhạy như người trẻ, nhưng có lợi thế là sự bền bỉ, chắc chắn và đặc biệt là khả năng làm việc với nông dân, xã viên HTX rất hiệu quả. Họ có thể tiếp cận công nghệ chậm, nhưng nếu kiên trì tìm tòi thì vẫn có thể làm được”, ông Nam chia sẻ.
Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thế hệ lớn tuổi
Hành trình khởi nghiệp của ông Lê Văn Nam không chỉ là một câu chuyện kinh doanh mà còn là nguồn cảm hứng cho những người cao tuổi muốn thử sức với hoạt động mới.
“Nhiều người nghỉ hưu có tài chính và kinh nghiệm nhưng lại chọn cuộc sống an nhàn, không tham gia vào các hoạt động xã hội. Tôi luôn khuyến khích họ khởi nghiệp, vì điều đó mang lại nhiều niềm vui và giúp tinh thần luôn hứng khởi”, ông Nam bày tỏ.
Thực tế, không ít người cao tuổi vẫn đang miệt mài khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng. Chẳng hạn, nhà sáng chế Nguyễn Văn Khỏe (Đồng Nai) – người sở hữu 4 bằng sáng chế – vẫn tiếp tục nghiên cứu và thành lập công ty chuyên sản xuất thiết bị bẫy muỗi khi đã bước qua tuổi 60. Ông chia sẻ, điều khiến ông tiếp tục không phải là lợi nhuận, mà là mong muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Trong lĩnh vực công nghệ, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ – sau khi nghỉ hưu từ Tập đoàn Mỹ Lan do chính mình sáng lập – lại tiếp tục khởi nghiệp với Công ty RYNAN Technologies Vietnam, tập trung vào chuyển đổi số trong nông nghiệp và thủy sản. Không chỉ phát triển sản phẩm công nghệ cao, ông còn dành nhiều tâm huyết đào tạo đội ngũ kỹ sư trẻ để tiếp tục sứ mệnh đổi mới.
Nhà nước thúc đẩy khởi nghiệp cho người cao tuổi
Nhận thấy tiềm năng của thế hệ lớn tuổi trong đổi mới sáng tạo, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định 379/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm”.
Mục tiêu của đề án là hỗ trợ ít nhất 1.260 người cao tuổi khởi nghiệp, xây dựng 500 mô hình khởi nghiệp và tạo việc làm cho 100.000 người thông qua các mô hình này. Đồng thời, đề án cũng khuyến khích người cao tuổi tham gia vào chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường.
Chính phủ sẽ phối hợp với nhiều bộ, ngành để xây dựng các chính sách hỗ trợ người cao tuổi khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy kinh nghiệm và sự bền bỉ của mình.