(Khởi Nghiệp Xanh) Sau nhiều năm làm công nhân tại Bình Dương, năm 2020, anh Kpuih Xuân (28 tuổi, làng Tol, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) quyết định trở về quê hương để theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp từ nông nghiệp. Nhờ sự kiên trì, sáng tạo và không ngừng học hỏi, anh đã xây dựng được mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, mang lại lợi nhuận gần nửa tỷ đồng mỗi năm.
Hành trình từ công nhân đến nông dân triệu phú
Nhận thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp tại quê nhà, anh Xuân luôn ấp ủ giấc mơ làm giàu từ trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, thiếu vốn, thiếu kiến thức là những rào cản lớn khiến anh chưa thể bắt đầu ngay.
“Để chuẩn bị cho kế hoạch khởi nghiệp, năm 2016, tôi vào Bình Dương làm công nhân. Mục tiêu là tích lũy vốn và tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt bài bản. Sau 4 năm nỗ lực, năm 2020, tôi quyết định trở về quê để hiện thực hóa ước mơ” – anh Xuân chia sẻ.

Khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi và trồng trọt bài bản
Trước khi bắt tay vào chăn nuôi, anh Xuân dành thời gian nghiên cứu điều kiện khí hậu, nguồn thức ăn phù hợp với vật nuôi tại địa phương. Anh mạnh dạn đầu tư 300 con gà, 200 con vịt và 55 con dê giống, với tổng chi phí ban đầu khoảng 90 triệu đồng.
Những ngày đầu, không ít người trong làng tỏ ra e ngại, vì từ trước đến nay, bà con chỉ quen trồng chuối, bắp, cà phê và nuôi nhỏ lẻ vài con gà, con heo. Tuy nhiên, với quyết tâm và chiến lược rõ ràng, anh Xuân dần chứng minh mô hình của mình là hướng đi đúng đắn.
“Tôi chủ động tìm đến các tiệm thú y để học hỏi về cách phòng bệnh cho vật nuôi. Đặc biệt, tôi áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, nói không với thuốc tăng trọng và chất cấm, nhằm tạo ra sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường. Ban đầu, mô hình cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ kiên trì điều chỉnh, tôi dần khắc phục được” – anh Xuân kể.
Hiện tại, từ chăn nuôi, anh thu về khoảng 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Bên cạnh đó, anh Xuân còn đầu tư trồng hơn 1 ha cà phê và 300 trụ hồ tiêu. Nhờ áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, tận dụng chất thải từ chăn nuôi để ủ hoai làm phân bón, anh vừa tiết kiệm chi phí vừa nâng cao năng suất. Mỗi vụ, anh thu về khoảng 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Với cà phê, anh áp dụng phương pháp tỉa cành, tạo tán và hãm ngọn để tập trung dinh dưỡng vào thân cây, giúp cây phát triển đồng đều, hạn chế sâu bệnh và thuận tiện trong quá trình thu hoạch.
“Tôi hạn chế tối đa thuốc trừ sâu và ưu tiên bón phân hữu cơ. Nhờ vậy, cây cà phê và hồ tiêu phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao. Hiện tại, tôi đang mở rộng mô hình, nuôi thêm 3 con bò, 5 con heo sinh sản và dự định đến cuối năm 2025 sẽ nuôi thêm bò thịt, trồng thêm 300 trụ hồ tiêu” – anh Xuân chia sẻ về kế hoạch sắp tới.

Tạo việc làm và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Xuân còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ với thanh niên trong làng.
Theo chị Siu H’Chí – Bí thư Đoàn xã Ia Hlốp, anh Kpuih Xuân không chỉ là tấm gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu mà còn là Bí thư Chi đoàn năng nổ, góp phần thúc đẩy phong trào thanh niên lập nghiệp tại địa phương.
“Mô hình phát triển kinh tế của anh Xuân rất thực tế và có tính ứng dụng cao. Ban Chấp hành Đoàn xã sẽ tổ chức tham quan mô hình để đoàn viên thanh niên học hỏi và áp dụng, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống” – chị H’Chí cho biết.
Từ một công nhân trở về quê lập nghiệp, anh Kpuih Xuân đã chứng minh rằng, với tinh thần quyết tâm, sáng tạo và không ngừng học hỏi, bất kỳ ai cũng có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.