Nguyễn Thị Thảo Như (sinh năm 2001, quê ở Long Nguyên, Bàu Bàng, Bình Dương – nay là Long Nguyên, TP.HCM) là một cô gái Gen Z đã chọn cho mình hướng đi đầy táo bạo: từ bỏ công việc phù hợp với chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, cô trở về quê hương để khởi nghiệp với mô hình trồng nấm mối đen hữu cơ ứng dụng công nghệ cao. Tình yêu với nông nghiệp và mong muốn sống gần gia đình đã thôi thúc Như phát triển mô hình nông nghiệp sạch, tận dụng tài nguyên địa phương như mùn cưa từ cây cao su để làm phôi nấm – một chu trình khép kín vừa tiết kiệm vừa thân thiện với môi trường.

Không đơn thuần là trồng nấm, Thảo Như tiên phong ứng dụng công nghệ IoT để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hệ thống trồng nấm trong nhà tiền chế bằng panel diện tích 50m² chứa 5.000 phôi nấm được tích hợp cảm biến tự động giúp kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ CO2,… Người trồng có thể điều chỉnh từ xa qua điện thoại thông minh, đồng thời hệ thống còn có chức năng cảnh báo khi các chỉ số vượt ngưỡng. Nhờ đó, trại nấm luôn duy trì được môi trường ổn định, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, tiết kiệm nhân công và chi phí vận hành.

Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng. Ngay từ lứa nấm đầu tiên, Như đã gặp thất bại khi hơn 500 phôi bị mốc xanh, hư hỏng. Nhưng cô không bỏ cuộc, mà chọn cách học hỏi và trau dồi thêm kiến thức chuyên môn bằng việc đăng ký khóa học ngắn hạn tại Đại học Nông Lâm. Từ thất bại ban đầu, Như dần trưởng thành hơn và quyết định mang dự án của mình đến cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp 2025”. Không chỉ học hỏi, va chạm thực tế, cô còn bất ngờ giành giải Nhì toàn tỉnh. Đây là cột mốc giúp cô tự tin hơn và mở ra nhiều cơ hội mới.
Được sự hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương, Thảo Như được đào tạo chuyên sâu về xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, phân tích thị trường và định vị khách hàng mục tiêu. Từ một cô gái rụt rè, Như nay đã biết cách thuyết trình dự án, kể câu chuyện sản phẩm và hoạch định chiến lược kinh doanh rõ ràng. Cô đặt mục tiêu đăng ký chứng nhận VietGAP trong vòng 7 tháng và hướng tới chuẩn GlobalGAP/Organic trong vòng 2 năm, nhằm đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị, nhà hàng cao cấp.

Hiện tại, Như đang đẩy mạnh bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, đồng thời xây dựng fanpage và website để tiếp cận người tiêu dùng trẻ. Với tư duy đổi mới và tinh thần cầu tiến, cô gái trẻ mong muốn mô hình của mình sẽ truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ dám nghĩ, dám làm. “Em tin rằng tuổi trẻ chỉ thật sự ý nghĩa khi ta dám sống và dám thử thách bản thân”, Như chia sẻ.
Câu chuyện khởi nghiệp của Thảo Như là minh chứng rõ ràng cho việc nông nghiệp sạch không còn là “sân chơi” của thế hệ cũ. Với tư duy công nghệ, sự kiên trì và trái tim yêu nông nghiệp, cô gái Gen Z ấy đang từng bước biến giấc mơ trở thành hiện thực – một giấc mơ xanh, sạch và bền vững ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.