Thanh niên Khmer tiên phong xây dựng những mô hình kinh tế bền vững và hiệu quả

(Khởi Nghiệp Xanh) Phát huy tinh thần tuổi trẻ, nhiều thanh niên Khmer tại huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) đã và đang từng bước vươn lên thoát nghèo bằng chính đôi tay, khối óc và sự hỗ trợ sát cánh của tổ chức Đoàn. Từ những mô hình nông nghiệp nhỏ nhưng hiệu quả, nhiều bạn trẻ không chỉ cải thiện thu nhập mà còn tạo sinh kế ổn định cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Nguồn vốn khởi đầu – nền tảng cho hành trình lập thân, lập nghiệp

Tại xã Long Sơn, mô hình hỗ trợ vay vốn từ Chi đoàn ấp Huyền Đức là một trong những điểm sáng đáng ghi nhận. Bí thư Chi đoàn, anh Huỳnh Văn Lâm cho biết: nhờ sự phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Chi đoàn đã giải ngân 200 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm cho 6 đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Bên cạnh đó, Chi đoàn còn vận động các hộ khá giả trong ấp hỗ trợ 2ha đất cho 10 bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn sản xuất cây màu ngắn ngày như đậu phộng, bắp, rau củ.

Nhờ tận dụng tốt điều kiện sản xuất, các ĐVTN có thể canh tác 2–3 vụ mỗi năm, mang lại thu nhập ổn định từ 50–60 triệu đồng/năm. Đặc biệt, đã có 6 bạn trẻ từ mô hình này vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá.

Rẫy hành lá của thanh niên Thạch Sang (bên trái)
Rẫy hành lá của thanh niên Thạch Sang (bên trái)

Gắn bó với ruộng đồng – vươn lên từ mô hình trồng màu

Ở ấp Long Hanh, nhiều thanh niên Khmer đã chọn hướng phát triển kinh tế từ canh tác nông nghiệp luân canh – đa canh cây màu. Điển hình là chị Kiên Thị Lan – người gắn bó với cây hành lá như một hướng đi bền vững. Mỗi năm, chị trồng từ 7–8 đợt hành, với chu kỳ 2 tháng/vụ. Nhờ “lấy công làm lời” và cách thức đổi công trong cộng đồng, chị Lan thu về lợi nhuận cao, dao động từ 6–10 triệu đồng cho mỗi 0,1ha, tùy theo mùa vụ và giá thị trường.

Tương tự, anh Thạch Sang – cũng ở ấp Long Hanh – sau thời gian đi làm xa đã quyết định trở về quê hương khởi nghiệp bằng mô hình trồng hành lá. Được Đoàn xã hỗ trợ vay vốn 70 triệu đồng và cấp một căn nhà tình thương trị giá 60 triệu đồng, anh đầu tư vào diện tích 0,2ha đất gia đình để canh tác liên tục quanh năm, mang về trung bình 10 triệu đồng lợi nhuận mỗi đợt trồng cho mỗi 0,1ha.

Đoàn Thanh niên đồng hành – tạo bệ phóng cho thanh niên vươn xa

Theo anh Thạch Dane – Bí thư Chi đoàn ấp Long Hanh – phần lớn thanh niên Khmer tại đây sống bằng nghề nông. Để hỗ trợ ĐVTN có điều kiện phát triển sản xuất, Chi đoàn đã chủ động phối hợp với Đoàn xã khảo sát nhu cầu, hỗ trợ tái đầu tư và kết nối nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Bình quân mỗi ĐVTN được hỗ trợ khoảng 40 triệu đồng để đầu tư vào trồng trọt hoặc nuôi bò. Nhờ vậy, đến nay toàn ấp chỉ còn 2 ĐVTN thuộc diện hộ nghèo.

Không chỉ là người hỗ trợ, anh Dane còn là tấm gương làm kinh tế giỏi tại địa phương. Với 0,3ha đất canh tác và 0,2ha đất thuê thêm, anh trồng luân canh cà nâu, bí đao theo hướng hữu cơ. Vụ màu cà nâu năm nay vừa trúng mùa, trúng giá: mỗi ngày thu hoạch 200–230kg, bán ra với giá 9.000 đồng/kg, lợi nhuận cuối vụ ước đạt gần 20 triệu đồng.

Tạo giá trị từ đất – Gieo hy vọng từ hành động

Những mô hình kinh tế kể trên không chỉ minh chứng cho tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm của thanh niên Khmer, mà còn thể hiện rõ vai trò đồng hành, dẫn dắt và hỗ trợ thiết thực của tổ chức Đoàn. Từ các nguồn vốn vay ưu đãi, đến sự kết nối cộng đồng – tất cả đang từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên nông thôn.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên là con đường bền vững để phát triển kinh tế địa phương. Và rõ ràng, từ những mảnh ruộng nhỏ, những luống hành xanh, sức trẻ Khmer đang tạo nên những “mùa vàng” đầy hứa hẹn cho quê hương mình.

Trả lời