(Khởi Nghiệp Xanh) Tận dụng lợi thế thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc văn hóa độc đáo, nhiều bạn trẻ ở khu vực phía tây tỉnh đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình du lịch cộng đồng, từ đó làm sống dậy những làng quê yên ả và mở ra cơ hội phát triển kinh tế tại chỗ.
Hành trình khởi nghiệp của người con làng cổ Kon K’Tu
Làng Kon K’Tu (xã Đăk Rơ Wa) nằm bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa, là một ngôi làng cổ của người Ba Na với kiến trúc truyền thống như nhà rông, nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, cùng không gian văn hóa cồng chiêng đậm đà bản sắc. Được công nhận là làng du lịch cộng đồng từ năm 2020, Kon K’Tu ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn.

Nhận thấy tiềm năng này, anh A Kâm (35 tuổi), một người con của làng, đã quyết tâm theo đuổi con đường làm du lịch sau khi hoàn thành các khóa tập huấn chuyên sâu. Anh tổ chức các hoạt động trải nghiệm độc đáo như chèo thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla, leo núi, làm rẫy cùng người bản địa, thử nghề thủ công truyền thống, và giao lưu văn hóa cồng chiêng – múa xoang.
Với mô hình đa trải nghiệm và không gian bản địa nguyên sơ, cơ sở lưu trú của anh A Kâm hiện mỗi năm đón hơn 100 lượt khách, trong đó 60% là khách quốc tế. Du khách không chỉ ấn tượng bởi thiên nhiên và khí hậu trong lành, mà còn bởi sự thân thiện, mến khách của người dân. “Homestay chất lượng, ẩm thực đặc trưng và các hoạt động văn hóa là điểm thu hút mạnh mẽ,” bà Venice Duncan (du khách Anh) chia sẻ.
Từ thác Siu Puông đến giấc mơ khởi nghiệp của cô gái Xơ Đăng
Xã Đăk Sao cũng đang dần “nổi” trên bản đồ du lịch với thác Siu Puông, ruộng bậc thang Siu Pria, rừng nguyên sinh núi Ngọc Kal và những vườn sâm Ngọc Linh quý giá. Nhưng điều đặc biệt ở đây là con người và bản sắc Xơ Đăng vẫn được gìn giữ nguyên vẹn.

Chị Y Gia Nhi (30 tuổi), lớn lên giữa núi rừng Đăk Sao, đã khơi nguồn đam mê làm du lịch sau lần tình cờ gặp đoàn khách hỏi đường. Không qua trường lớp chính quy, chị tự học, xây dựng một căn nhà sàn làm homestay, liên kết với công ty du lịch và trực tiếp làm hướng dẫn viên.
Chị còn vận động 60 người dân lập thành các đội xe thồ, ẩm thực, cồng chiêng và múa xoang để phục vụ khách. Nhờ vậy, cơ sở của chị Nhi đón gần 800 lượt khách mỗi năm, góp phần mang lại thu nhập 1–3 triệu đồng/tháng cho người dân tham gia.
Nâng tầm đặc sản: Bánh tráng Trích Nhị bước ra thị trường
Không chỉ du lịch, khởi nghiệp từ đặc sản địa phương cũng đang mở ra cơ hội phát triển bền vững. Ông Nguyễn Văn Nhị (55 tuổi, xã Mộ Đức) là người kế thừa nghề làm bánh tráng truyền thống của gia đình qua bốn thế hệ. Với quyết tâm nâng tầm sản phẩm, năm 2017, ông đầu tư máy móc để thay thế công đoạn thủ công, giúp tăng năng suất và đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, ông vẫn giữ bí quyết cốt lõi như chọn gạo ngon, mè sạch, quy trình ngâm gạo và phơi bánh bằng nắng để giữ độ thơm, dẻo và độ giòn khi nướng. Sản phẩm bánh tráng nhúng nước và bánh tráng nướng của ông được thị trường ưa chuộng, đạt chứng nhận OCOP 3 sao cuối năm 2022.
Cơ sở không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng. Địa phương cũng đánh giá đây là mô hình tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu, có tiềm năng mở rộng thị trường thông qua các hoạt động kết nối sản phẩm.
Nguồn: Báo Quảng Ngãi