Hướng dẫn cách trồng cam cho cây khỏe, mùa bội thu

(Khởi nghiệp xanh) Cách trồng cam đúng kỹ thuật giúp cây phát triển tốt và cho ra năng suất cao. Cần chú ý tới những đặc điểm sinh trưởng của cây để đưa ra các phương pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả nhất.

Chú ý đến đặc điểm sinh trưởng của cây để chăm sóc đúng cách
Chú ý đến đặc điểm sinh trưởng của cây để chăm sóc đúng cách

Điều kiện tự nhiên để trồng cam

Điều kiện tự nhiên phù hợp là yếu tố cần thiết giúp cây khỏe, cho nhiều trái.

Đất

Cam có thể trồng trên đất thoáng khí, không có tầng đất cứng và đảm bảo thoát nước tốt. Độ pH từ 5.5 – 6.5 và độ dốc từ 3 – 8 độ. Một số loại đất thích hợp hợp nhất khi trồng cam.

  • Đất phù sa: Có hàm lượng mùn cao, độ dày khoảng 80 – 100cm và nước ngầm dưới 1m.
  • Đất thịt hoặc đất cát pha thịt: Yêu cầu có độ sâu ít nhất 1m, tơi xốp và thoáng khí.

Khí hậu

Một số điều kiện giúp cam có khả năng phát triển tốt.

  • Nhiệt độ: 18 – 35 độ C. Nếu ở mức dưới 12 và trên 40 độ C cây dễ bị chết cành và ngừng sinh trưởng.
  • Độ ẩm: 70 – 80%. Cây cam ưa ẩm nhưng không chịu được úng.
  • Lượng nước: 1000 – 2000 mm/năm. Các thời kỳ cần nước: Bật mầm, ra hoa và phát triển quả.
  • Ánh sáng: Cường độ 10.000 – 15.000 Lux, tương đương với ánh sáng lúc 8h sáng.

Chọn giống

Việc lựa chọn giống sẽ quyết định đến năng suất, thời gian ra quả. Hiện nay có 3 loại giống chính.

  • Chiết cành: Cây mau ra quả nhưng tuổi thọ ngắn, bộ rễ yếu.
  • Cây ghép: Lâu ra trái hơn so với loại chiết cành nhưng cây khỏe và tuổi thọ dài hơn.
  • Nhân giống bằng hạt: Thời gian ra trái lâu, năng suất kém.
Nhân giống bằng hạt cho năng suất kém hơn ghép và chiết cành
Nhân giống bằng hạt cho năng suất kém hơn ghép và chiết cành

Sau khi đã đáp ứng đủ điều kiện tự nhiên khi trồng cam còn cần phải chú ý về các biện pháp chăm sóc để cây phát triẻn tốt nhất.

Kỹ thuật trồng cây cam

Người dân khi trồng cam cần tìm hiểu về những kỹ thuật dưới đây.

Thời vụ

Mùa xuân từ tháng hai đến tháng tư và mùa thu từ tháng tám đến tháng mười là thời điểm thích hợp nhất để trồng cam.

Kỹ thuật trồng

  • Đầu tiên cần làm sạch cỏ, rắc vôi và bừa đất cho tơi.
  • Dùng đất ao phơi khô + 100g phân lân + 8kg phân chuồng ủ mục làm mô trồng cây. Mô có kích thước 55cm x 30cm (rộng x cao).
  • Tạo một hố nhỏ vừa đủ, đặt bầu cây ở giữa mô và nén chặt đất cao khoảng 3 – 5cm.
  • Phủ một lượng rơm hoặc trấu vừa đủ xung quanh, không lấp kín gốc. Có thể cắm thêm cọc để tránh cây bị đổ, sau đó tưới nước.

Kỹ thuật chăm sóc

Sau khi đã trồng cây cần phải chăm sóc tốt cho tới khi ra quả để đạt năng suất cao nhất.

Tưới nước

  • Cây cam cần được tưới nước thường xuyên, nhất là đối với các địa phương có thời tiết khô hạn.
  • Nên bơm nước vào các rãnh nông 2 bên để nước ngấm vào cây, sau 1 ngày tháo nước đi để tránh bị úng.

Tỉa cành

  • Tiến hành tỉa cành sau mỗi vụ thu hoạch để loại bỏ cành nhỏ, cành sâu. Thời kỳ ra nụ cần cắt những nụ bị dị dạng, mọc muộn.
  • Tỉa cành già, yếu quanh gốc nhằm tạo độ thông thoáng, tránh làm môi trường cho sâu bệnh phát triển.
Tỉa cành tạo độ thông thoáng, tránh cho sâu bệnh phát triển
Tỉa cành tạo độ thông thoáng, tránh cho sâu bệnh phát triển

Chăm hoa

Khi cây cam sắp ra hoa cần hạn chế tưới nước, sau khi có những nụ hoa đầu tiên xuất hiện bắt đầu tưới liên tục 2 ngày liền. Cam đã đậu quả bằng đầu đũa nên bón thêm phân NPK với liều lượng 0,5kg/cây.

Bón phân 

Liều lượng bón phân phù hợp cho từng giai đoạn:

  • Từ 1 đến 3 tuổi: 200gram DAP và 300 gram NPK 27-12-06.
  • Từ 4 đến 6 tuổi: 500gram DAP và 700gram NPK 20-08-20.
  • Từ 7 đến 9 tuổi: 750gram DAP và 1kg NPK 20-08-20.
  • Cây từ 10 tuổi: 1kg DAP và 1,5kg NPK 20-08-20.

Phòng, trừ sâu bệnh hại 

Biện pháp phòng trừ những loại sâu bệnh thường gặp nhất ở cây cam.

Sâu vè bùa

Sâu đục lớp dưới biểu bì làm cho lá bị quăn lại, gây khó khăn cho việc quang hợp. Ngoài ra còn tạo cơ hội cho bệnh loét phát triển.

  • Phòng ngừa: Thúc cho cây ra chồi cùng một đợt sẽ làm giảm sự xuất hiện của sâu.
  • Trừ sâu: Dùng các loại thuốc hóa học có tác dụng nội hấp.

Rầy chổng cánh 

Là loại côn trùng làm vàng lá, chúng hút chất dinh dưỡng từ các đọt non làm chết cây.

  • Phòng ngừa: Kiểm tra cây thường xuyên để tiêu diệt rầy ngay từ giai đoạn ấu trùng, cắt tỉa cành thông thoáng, loại bỏ những cây đã bị vàng lá trong vườn.
  • Trừ rầy: Phun thuốc hóa học hợp lý, bảo vệ các loài thiên địch như bọ rùa, ong ký sinh.

Khi đã hoàn thành quy trình trồng và chăm sóc đến giai đoạn quả chín cũng cần có kỹ thuật bảo quản sau thi hoạch nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế.

 

Trả lời